Loãng xương ở người già là tình trạng phổ biến, gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp người cao tuổi duy trì xương chắc khỏe, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
1. Loãng xương ở người già là gì?
Loãng xương là bệnh lý khiến xương trở nên mỏng, yếu và dễ gãy hơn do sự suy giảm mật độ khoáng trong xương. Ở người cao tuổi, quá trình tái tạo xương chậm lại và sự mất mát các khoáng chất trong xương diễn ra nhanh hơn, dẫn đến tình trạng loãng xương. Đây là nguyên nhân chính gây ra các ca gãy xương, đặc biệt là ở các vùng như cột sống, hông và cổ tay.
2. Nguyên nhân gây loãng xương ở người già
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương ở người cao tuổi, trong đó gồm có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Do lão hóa tự nhiên: Khi tuổi tác tăng cao, quá trình tái tạo xương giảm đi, làm giảm mật độ xương dẫn đến tình trạng loãng xương.
- Thiếu canxi và vitamin D: Chế độ ăn uống thiếu hụt canxi và vitamin D là yếu tố quan trọng dẫn đến suy yếu xương.
- Thiếu hoạt động thể chất: Việc ít vận động và không tham gia các hoạt động thể chất có thể làm giảm sự phát triển và duy trì sức mạnh của xương.
- Do di truyền: Nếu gia đình có người thân bị loãng xương thì nguy cơ các thế hệ sau bị loãng xương khi về già sẽ cao hơn so với người bình thường.
- Sử dụng thuốc kéo dài: Một số loại thuốc như corticoid có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Các bệnh lý mãn tính: Bệnh thận, cường giáp hoặc viêm khớp dạng thấp cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương.
3. Các triệu chứng loãng xương ở người già
Loãng xương thường không gây ra triệu chứng rõ rệt cho đến khi xảy ra gãy xương. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo sớm như:
- Đau lưng mãn tính: Đây chính là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất. Người bị loãng xương thì bị đau hầu như toàn bộ lưng, đặc biệt là đau lưng dưới, có thể do gãy xương đốt sống gây ra.
- Giảm chiều cao: Người già có thể bị thấp đi do các đốt sống bị xẹp.
- Tư thế gù lưng: Xương sống yếu khiến cột sống bị cong.
- Gãy xương dễ dàng: Các hoạt động nhẹ hoặc cú ngã nhỏ có thể gây ra gãy xương.
4. Cách phòng ngừa loãng xương ở người già
Để phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi, cần áp dụng các biện pháp sau:
- Bổ sung canxi và vitamin D: Nên ăn nhiều các thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, sữa chua, cá mòi, đậu phụ, và rau xanh lá. Ngoài ra, vitamin D cũng rất quan trọng, có thể tổng hợp từ ánh nắng mặt trời hoặc bổ sung qua thực phẩm chức năng.
- Tăng cường hoạt động thể chất: Các bài tập như đi bộ, yoga, bơi lội và tập tạ nhẹ sẽ giúp duy trì mật độ xương và tăng cường sự linh hoạt.
- Hạn chế rượu bia và không hút thuốc: Thuốc lá và rượu bia có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi và làm yếu xương.
- Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện đo mật độ xương thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ loãng xương.
- Sử dụng thuốc hỗ trợ: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để giúp ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương.
5. Cách điều trị loãng xương ở người già
Nếu đã bị loãng xương, việc điều trị có thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc điều trị gồm các loại thuốc giúp tăng cường mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
- Sử dụng liệu pháp thay thế hormone: Phù hợp với phụ nữ sau mãn kinh để ngăn ngừa loãng xương.
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng và tập luyện: Cải thiện chế độ ăn uống và thực hiện các bài tập thể dục phù hợp theo chỉ dẫn của chuyên gia.
Loãng xương ở người già là vấn đề sức khỏe quan trọng cần được quan tâm và phòng ngừa từ sớm. Hiểu rõ các nguyên nhân, triệu chứng sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả. Hãy thực hiện lối sống lành mạnh và chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để duy trì sức khỏe xương khớp dẻo dai, sống vui khỏe mỗi ngày nhé!